Denial Syndrome – Điều ngăn cản chúng ta học hỏi cái mới

Kẻ nghiện rượu: “Có sao đâu, mai tao đi làm vẫn vô tư”; Người đau dạ dày: “Chuyện lặt vặt, vài ngày nữa sẽ hết thôi”; Đối tượng đánh vợ: “Do cô ấy cằn nhằn cả ngày nên tôi mới làm vậy”;…

Quen lắm đúng không? Đó là biểu hiện của Denial Syndrome (dịch nôm na là hội chứng từ chối), một cơ chế phòng vệ tâm lý thường thấy hầu hết ở chúng ta.

Vậy tại sao nó ngăn cản chúng ta tiếp thu, học hỏi những cái mới? Để trả lời được câu hỏi này, trước tiên, hãy tìm hiểu rõ hơn về Denial Syndrome.

Đây là một cơ chế phòng vệ tâm lý, được sử dụng để tránh né nỗi lo lắng, đau đớn về sự thật mà mình gặp phải. Kiểu: “Tôi không nghe, tôi không thấy, tôi không tin những gì em đang tâm lừa dối”.

Theo nhà tâm lý học Sigmund Freud, Denial Syndrome là hiện tượng tránh né “sự thật phũ phàng” về những sự việc trong cuộc sống bao gồm cả ký ức, suy nghĩ và cảm xúc.

Chúng ta dùng cơ chế phòng vệ này để giúp mình tránh khỏi những cảm giác như lo lắng, căng thẳng, đau đớn, hoặc thậm chí là tội lỗi.

Điều này khiến chúng ta “yên tâm” để tiếp tục với hành vi của mình và mặc kệ vấn đề có được giải quyết hay không. Kẻ nghiện rượu tiếp tục uống rượu, đối tượng đánh vợ tiếp tục đánh vợ.

Vậy dấu hiệu của Denial Syndrome là gì?

  • Từ chối nói về vấn đề đang gặp phải.
  • Bao biện cho hành vi của mình.
  • Đổ lỗi cho người khác hoặc lý do bên ngoài nào đó.
  • Cố chấp làm một việc gì đó dù kết quả chẳng đi tới đâu.
  • Hứa sẽ giải quyết vấn đề gặp phải ở một thời điểm trong tương lai.
  • Cố gắng tránh suy nghĩ về vấn đề của mình.

Thậm chí, khi biết rằng vấn đề cần phải được giải quyết, chúng ta vẫn từ chối tiếp nhận lời khuyên, sự giúp đỡ từ mọi người. Hoặc giả vờ đồng ý và yêu cầu họ lo việc của mình đi.

Ở một khía cạnh nào đó, Denial Syndrome cũng có chút lợi ích. Việc từ chối chấp nhận sự thật giúp chúng ta có một khoảng thời gian làm quen với những thứ quá mới mẻ. Ví dụ, khi biết tin người thân qua đời, chúng ta cần thời gian làm quen với nỗi đau và chấp nhận nó.

Nhưng dù sao, Denial Syndrome vẫn mang lại khá nhiều điều không tốt. Một trong số đó là việc chúng ta khó tiếp nhận và học hỏi những điều mới lạ.

Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi nghe tin: Idol số 1 của mình ngoại tình? Bạn sẽ cho rằng “Chuyện của người ta sao mình biết được”?

Bạn sẽ phản ứng thế nào khi nghe tin: Đứng làm việc sẽ tốt hơn gấp nhiều lần khi ngồi? Bạn sẽ cho rằng “Ngồi sướng hơn! Hồi nhỏ giờ vậy rồi, có sao đâu”?

Và bạn sẽ phản ứng ra sao khi có thông tin cho rằng: AI sớm biến bạn thành người lạc hậu? Bạn sẽ kiểu “Còn lâu! AI còn ngu lắm”?

Chúng ta đang có xu hướng né tránh, phủ nhận những điều mới lạ mà trước nay chưa từng biết, chưa từng nghe, chưa từng thấy, dù cho nó là sự thật.

Chúng ta bị sốc, cảm thấy lo lắng, sợ hãi, đau đớn khi tiếp nhận những thông tin phủ định lại tất cả niềm tin, kiến thức, thế giới quan mà chúng ta được xây dựng từ bấy lâu nay.

Liệu chúng ta có thể nâng cấp bản thân với trạng thái mà Denial Syndrome mang lại? Không hẳn không thể, nhưng ít nhất, tâm lý phòng vệ sẽ khiến chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi đón nhận những kiến thức lạ lẫm.

Thực tế cho thấy, những cá nhân, tổ chức cởi mở đón nhận cái mới, sẵn sàng thay đổi nhận thức, quan điểm đã cũ sẽ ngày càng tiến bộ và phát triển.

Vậy nên, hãy dũng cảm tiếp nhận những thứ đi ngược lại với “chân lý” của chúng ta. Sau đó kiểm chứng, đánh giá và sẵn sàng thay đổi nếu nó phù hợp hơn những thứ chúng ta cho là “chân lý”.

Chú ếch vẫn ngồi ở đáy giếng vì không chấp nhận sự thật về sự rộng lớn của bầu trời.

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *