Lười biếng là một trong những bản năng tự nhiên của con người và hầu hết chúng ta đều trải qua cảm giác đó. Tuy nhiên, chính chúng ta có thể kiểm soát và tự thoát khỏi trạng thái này để làm việc có hiệu quả hơn trong cuộc sống.
Lười biếng là trạng thái chán nản, diễn ra khi chúng ta không muốn bỏ ra quá nhiều công sức vào việc gì đó cũng như lười vận động và suy nghĩ. Đặc biệt trong một vài trường hợp cụ thể, lười biếng không chỉ là cảm giác mà còn là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Để khắc phục thói quen lười biếng, bạn có thể tìm hiểu 10 cách hữu ích dưới đây.
1. HỌC CÁCH CHẤP NHẬN SỰ LƯỜI BIẾNG
Để có thể giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và sự căng thẳng trong quá trình loại bỏ tính lười biếng, điều bạn cần làm đầu tiên đó là hãy chấp nhận nó, rằng bản thân hay bên trong mình là một người lười biếng. Điều này sẽ giúp bạn gỡ áp lực và không rơi vào trạng thái tồi tệ khi lúc nào cũng thôi thúc bản thân phải nhanh chóng thay đổi thói quen xấu đó. Bạn nên hiểu rằng lười biếng vốn là bản năng của chúng ta. Do đó, tùy vào từng trường hợp mà con người sẽ học cách thích nghi và thay đổi bản năng này của mình.
2. HIỂU ĐƯỢC NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ LƯỜI BIẾNG
Tiếp theo, hãy dành thời gian để tìm hiểu gốc rễ của sự lười biếng. Đây là một trong những thử thách khó khăn và quan trọng nhất mà bạn cần phải vượt qua. Nếu bạn có thể khám phá ra điều gì khiến bạn trở nên thiếu động lực và lười nhác, bạn có thể ngăn ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Chẳng hạn, bạn có thường xuyên cảm thấy lười biếng vào một khoảng thời gian cố định trong ngày?(Buổi sáng thức dậy chẳng hạn), cảm giác này sẽ xuất hiện khi bạn phải làm những công việc nhàm chán hoặc không sẵn sàng để làm.
Ngoài ra, bạn nên biết rằng, căng thẳng, áp lực công việc cũng chính là lý do dẫn đến lười nhác. Những người có mức độ căng thẳng cao sẽ có hiệu quả công việc thấp hơn người có mức độ căng thẳng thấp. Hãy để ý đến môi trường, mọi người xung quanh, khoảng thời gian trong ngày cũng như kiểu công việc bạn đang làm. Sau đó, bạn có thể thay đổi môi trường, thời gian làm việc hoặc cả trang phục hàng ngày. Bất kỳ thứ gì có ảnh hưởng tích cực đều đáng để bạn xem xét và thực hành.
3. ĐẶT MỤC TIÊU HỢP LÝ
Thỉnh thoảng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mọi người đặt mục tiêu quá cao. Lấy ví dụ, trong một ngày bạn nghĩ trong đầu hôm nay mình phải hoàn thành tất cả công việc trước 5 giờ chiều, để tối có thể thoải mái làm gì tùy thích. Tuy nhiên, bạn gặp phải một trục trặc nhỏ khiến công việc xáo trộn, trở thành một mớ hỗn độn và bạn trong phút chốc quên mất mình đang định làm gì? Dẫn đến chán nản và mất niềm tin vào bản thân. Hãy thiết lập các mục tiêu thích hợp với bản thân, và cũng không cần phải e ngại khi phải hạ thấp nó nếu bạn cảm thấy mất động lực.
4. HOÀN THÀNH TỪNG THỨ MỘT
Cảm giác thỏa mãn từ việc hoàn thành kế hoạch sẽ mang lại động lực và nguồn năng lượng tích cực cho bạn. Vậy tại sao bạn không liên tục tạo ra cảm giác đó cho mình bằng cách chia nhỏ công việc lớn của bạn thành những công việc nhỏ, dễ sắp xếp hơn? Sau đó nắm bắt cảm giác chiến thắng này và tiếp tục thực hiện các kế hoạch tiếp theo. Nếu bạn cảm thấy chán nản vào giữa ngày, bạn có thể làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ, cho dù điều đó không liên quan gì đến kế hoạch của bạn.
5. SỬ DỤNG KỸ THUẬT POMODORO
Trong buổi Workshop “Quản lý thời gian” mà GenPlus Media tổ chức, chúng ta được học rằng Pomodoro là phương pháp quản lý thời gian phổ biến giúp mọi người làm việc năng suất hơn. Ý tưởng chính của kỹ thuật này là nghỉ ngơi đúng cách sau một thời gian tập trung vào công việc. Thông thường, bạn sẽ làm việc trong 20 phút, rồi nghỉ ngơi từ 3 đến 5 phút. Sau 4 lần như vậy thì thời gian nghỉ sẽ nới ra là 15 đến 20 phút. Việc này giúp cho cơ thể và đầu óc của bạn được ‘thở’, giúp phân chia năng lượng hợp lý nhờ đó bạn có thể hoàn thành một khối công việc mà không cảm thấy mệt mỏi hay chán nản.
6. TẮT THÔNG BÁO
Hầu hết các hình thức của lười biếng được tạo nên bởi “lối tắt” – điều khiến bạn dễ mất tập trung. Bạn sẽ dễ cảm thấy lười biếng khi xung quanh đều là sự xao nhãng như trò chơi, mạng xã hội, lễ hội, chương trình giải trí… Nếu nhận thức được những “lối tắt” này, bạn sẽ biết cần phải làm gì để loại bỏ chúng. Chẳng hạn, khi đang làm việc, bạn có thể tắt thông báo điện thoại, tắt tivi hoặc tìm một nơi yên tĩnh khác.
7. BỚT CẦU TOÀN HƠN
Cầu toàn chính là kẻ thù của năng suất, bởi vì nó có thể khiến bạn cảm thấy mất động lực và lười biếng hơn. Những người theo chủ nghĩa cầu toàn, thường cảm thấy lo lắng, bất an và thường xuyên hành hạ bản thân mình vì cảm giác không hoàn thành được công việc như mong muốn.
Họ bị ám ảnh bởi mức độ hoàn thành một nhiệm vụ và chuẩn mực bản thân đề ra. Do đó, những suy nghĩ tiêu cực và tiếng nói chỉ trích sẽ vang vọng trong bản thân họ mỗi giây. Điều này tước đi niềm hạnh phúc khi làm việc và khiến những người cầu toàn dễ dàng từ bỏ công việc. Ngược lại, những người không cầu toàn sẽ cân nhắc được khả năng của mình và biết phân bổ công việc sao cho hiệu quả thay vì lãng phí thời gian vào những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
8. TỰ THƯỞNG CHO BẠN THÂN
Mỗi ngày đi làm tôi thường tự hỏi, sao bà Yến bả có thế ngày nào cũng vượt mười mấy cây số để đi làm đúng giờ, hay anh Lộc trưa nào cũng sách xe chạy giữa trời nắng về nhà chỉ để ngủ một giấc 30p… Có lẽ, họ có một nguồn động lực lớn nào đó?
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi nhận được phần thưởng sau thời gian làm việc vất vả. Lần tới, nếu bạn cảm thấy lười nhác và không muốn bắt đầu khi phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, hãy lên kế hoạch tự thưởng cho bản thân sau mỗi lần hoàn thành mục tiêu. Một món ăn ưa thích, một món đồ ao ước hoặc một chuyến dã ngoại đều là những phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực bạn bỏ ra.
9. TÌM KIẾM BẠN ĐỒNG HÀNH
Như anh Sơn, boss của GenPlus Media từng nói: “Mỗi ngày đi làm là một ngày vui”.
Đúng như vậy, bạn bè hay những người đồng nghiệp hợp cạ chính là nguồn động lực lớn để bạn đến công ty mỗi ngày. Quá trình tìm kiếm động lực sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có bạn đồng hành. Họ không chỉ hỗ trợ bạn giải quyết công việc mà còn đem đến cho bạn nguồn năng lượng tích cực và những lời khuyến khích đầy cảm hứng.
10. KHIẾN CÁC NHIỆM VỤ NHÀM CHÁN TRỞ NÊN KÍCH THÍCH HƠN
Mỗi công ty đều có những cách làm để khiến cho nhân viên của họ có tinh thần và luôn phấn đấu nỗ lực trong công việc. Chẳng hạn, mỗi nhiệm vụ đặt ra sẽ đi kèm phần thưởng, nhiệm vụ càng khó thì phần thưởng càng cao. Hoặc, tăng tính cạnh tranh cũng là cách hiệu quả để khiến công việc trở nên kích thích hơn. Suy cho cùng, nếu bạn có thể tìm thấy được điều khiến bạn say mê ở công việc, không điều gì có thể khiến bạn mất đi động lực cũng như cảm thấy tẻ nhạt và lười biếng.
TẠM KẾT
Hãy nhớ rằng học cách ngừng lười biếng không phải là một quá trình nhanh chóng và dễ dàng – nó đòi hỏi sự luyện tập, nỗ lực và lòng từ bi.
Tuy nhiên, điều đó rất xứng đáng, có một câu nói mà mình rất ấn tượng và lấy đó làm lí sống: “ Lười biếng có thể làm bạn thỏa mãn, nhưng công việc mới mang lại sự hài lòng.” Vì vậy, hãy cố gắng để mình cảm thấy hài lòng hơn nhé! ^^