Những ngày cuối tháng 10, trời đã dần chuyển mình sang Thu nên không khí thật dễ chịu. Tôi ngồi nhâm nhi một tách cafe và nhớ lại những ngày thời tiết còn oi bức, nhớ lại một sự việc quan trọng đã diễn ra vào mùa Hè.
Đó là câu chuyện của 4 tháng trước, tôi đưa ra quyết định nhảy việc ở tuổi 28 – độ tuổi mà đại đa số mọi người đều nghĩ rằng đã đủ độ “chín” để đi đến một sự ổn định trong công việc lẫn cuộc sống, độ tuổi phải đối mặt với không ít những áp lực về kinh tế, gia đình,…
Hơn ai hết, tôi nhận thức được rằng ở độ tuổi này nhảy việc sẽ gặp khá nhiều bất lợi và khó khăn khi sức khỏe và nhiệt huyết mặc định được các nhà tuyển dụng cho là không bằng các bạn trẻ mới ra trường.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tin rằng nếu mình biết điểm mạnh điểm yếu của bản thân, biết rõ ràng bản thân muốn gì, cần làm gì và xây dựng được kế hoạch cho tương lai thì 28 vẫn chưa phải là quá muộn để bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Nếu bạn đang cảm thấy muộn phiền với những vấn đề trong công việc và loay hoay với một mớ câu hỏi mở từ bản thân về sự nghiệp, mơ hồ về tương lai thì hãy đọc bài chia sẻ này nhé. Biết đâu những trải nghiệm của tôi sẽ giúp bạn có được câu trả lời cho vấn đề của chính bạn.
Bạn chọn nhảy việc vì lý do gì?
Khi ở độ tuổi đã đủ trải nghiệm về cuộc sống lẫn công việc thì mọi quyết định bạn đưa ra không nên nhất thời mà cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Hãy tự hỏi xem bản thân bạn thực sự muốn gì? Cần làm gì và phải làm như thế nào?
Nên nhìn nhận khách quan cả 2 khía cạnh, về mục tiêu cá nhân và vấn đề đang gặp ở môi trường hiện tại. Là do bạn chưa thích ứng tốt với công việc hay vì môi trường hiện tại không còn thuận lợi để bạn có thể thực hiện được mục tiêu của bản thân? Liệu bạn có đủ đam mê, đủ sự quyết tâm để làm công việc mà bạn mong muốn ở một môi trường mới?
Hãy tận dụng hết sự chín chắn của bản thân để đưa ra được một lý do nhảy việc thật thuyết phục cho chính bạn.
Bạn có chấp nhận đánh đổi?
Là một nhân viên lâu năm, chắc hẳn bạn sẽ có những đãi ngộ nhất định ở công ty. Khi chọn chuyển sang môi trường mới đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận bỏ qua tất cả những quyền lợi ưu tiên đang có. Và cũng không ngoại trừ khả năng công việc ở công ty mới sẽ không đem lại cho bạn mức thu nhập như hiện tại.
Hãy cân nhắc thật kỹ rằng những gì bạn có thể học được hay nhận được từ công ty mới có xứng đáng để bạn đánh đổi những điều mà bạn đang có hay không. Bạn có sẵn sàng chấp nhận sự đánh đổi đó không?
Bạn đã chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra?
Ở độ tuổi trưởng thành, tôi biết bạn cũng đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo về kinh tế, vậy nên hãy quyết định gửi đơn nghỉ việc khi bạn đã tìm kiếm được một công việc mới phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên nghĩ đến trường hợp khi tiếp xúc với môi trường mới có thể sẽ xảy ra những vấn đề bất cập khiến bạn không thể tiếp tục công việc. Vậy thì để không bị rơi vào tình trạng khốn đốn bạn nên có sự chuẩn bị về kinh phí dự trù cho những nguy cơ tiềm ẩn khi nhảy việc. Hãy đảm bảo rằng bạn vẫn có đủ chi phí để trang trải tốt cuộc sống ít nhất 3 – 5 tháng nếu không có việc làm.
Lời Kết:
Khi cuộc sống dần đi vào quỹ đạo thì tôi lại quyết định mở ra cho bản thân một con đường mới. Đó có thể coi là một quyết định đột phá của tôi ở tuổi 28. Tuy nhiên, tôi luôn tin và nghĩ rằng khi mình hướng đến những điều tốt đẹp thì một cách kỳ diệu nào đó những điều tốt đẹp sẽ xảy đến.
Tôi rất ấn tượng với câu nói của Hoa hậu Thùy Tiên trong đêm chung kết Miss Grand Việt Nam đó là “Thất bại vài lần không có nghĩa bạn là kẻ thất bại, mà bạn chỉ là kẻ thất bại khi bạn chấp nhận buông xuôi”. Và tôi nghĩ khi mình nhìn ra được vấn đề của bản thân nhưng lại không dám thay đổi để cải thiện nó thì đó chính là sự thất bại.
Hãy tự mình mở ra những cơ hội của chính mình. Dám thay đổi và cởi mở đón nhận những điều mới đến một cách tích cực. Chỉ cần bạn hiểu chính mình, kiên trì, nỗ lực thì dù ở độ tuổi nào nhảy việc không còn là nỗi lo quá lớn.