Ambivert – Có những con người ‘nửa mùa’ như vậy!

Tôi tin bạn đã rất nhiều lần nghe câu hỏi “em là người hướng nội hay hướng ngoại?” trong các câu chuyện, hoặc ít nhất là trong những lần phỏng vấn xin việc. Khi ấy câu trả lời của bạn là gì? Đó là điều bạn muốn người khác nghĩ về mình, hay là điều bạn muốn ở bản thân bạn, hay đó thực sự là bạn?

Chúng ta đều rất giống nhau ở mong muốn khám phá về bản thân. Vậy thì hôm nay, sau rất nhiều lần bị Đức “khịa” vì trễ deadline viết blog, tôi sẽ cùng bạn khám phá về một “định danh” mang tên ambivert.

Thực chất tôi đã từ bỏ việc định danh bản thân từ rất lâu, khoảng những năm tôi 25-26 tuổi. Lý do là gì bạn biết không? Đó là vì tôi không muốn “dán nhãn” lên bản thân. Tôi không muốn bó hẹp bản thân mình theo một khuôn mẫu, một danh tính, một vị trí… nào. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy mất tự do và một phần nào đó, những định danh này cũng sẽ thay đổi liên tục theo thời gian.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, tôi hiểu những khái niệm như introvert, extrovert hay ambivert là mô tả xu hướng tính cách. Và hy vọng bạn đừng “bám chấp” vào những điều này mà vô tình tạo cho mình những bức tường phòng vệ.

Có một nghiên cứu chỉ ra rằng 38% con người thuộc tính cách ambivert. Vậy bạn có nằm trong số này không?

Ambivert – họ là ai?

Bạn đã rất quen thuộc với introvert – hướng nội, extrovert – hướng ngoại. Vậy thì hiểu một cách đơn giản, ambivert là một kiểu ‘hướng trung’. Tôi thực sự rất hứng thú với những gì không nằm hẳn ở một thái cực nào, vì nó thể hiện tính linh hoạt cao.

Ambivert là những cá nhân như vậy, họ có những nét tính cách của người hướng nội và cả những người hướng ngoại. Tuy nhiên, họ sẽ không đạt ở mức cân bằng tuyệt đối mà có thể hơi nghiêng về một trong 2 xu hướng tính cách trên.

Ambivert có thể rất hào hứng với các hoạt động tập thể, ‘cháy’ hết mình với đồng chill nhưng vẫn biết cách dành thời gian cho bản thân mình. Keyword của họ chính là sự cân bằng.

Ambivert còn có những tên gọi ‘kỳ cục kẹo’ như:

  • Outgoing introvert: Người hướng nội hòa đồng, dễ tính
  • Antisocial extrovert: Người hướng ngoại anti xã hội
  • Social introvert: Người hướng nội nhưng sẽ hướng ngoại nếu cần thiết

‘Nửa mùa’ nhưng rất thu hút và thú vị đúng không?

Là một ambivert thì được gì mà mất gì?

Họ vừa ‘xõa’, vừa chill, vừa làm việc nhóm tốt vừa làm việc độc lập cũng ổn. Họ còn có thể hòa nhập nhanh, không ngại va chạm và còn khá tinh tế với cảm xúc của người khác. Cuộc sống healthy và balance như vậy thì có gì để mất?

Việc gì cũng có 2 mặt mà phải không, bạn tui? Chính vì sở hữu nét tính cách của cả introvert và extrovert nên ambivert có phần… nửa mùa. Tôi gọi đó là ‘cái gì cũng không ra cái gì’.

Ambivert có khả năng thích nghi cao cả trong công việc và đời sống. Tuy nhiên, vì xu hướng tìm kiếm và duy trì điểm cân bằng nên họ thường xuyên lưỡng lự, thiếu quyết đoán trong trường hợp cần đưa ra quyết định nhanh chóng. Đối với vị trí lãnh đạo, đây là một điểm trừ rất lớn.

Cũng vì vậy mà về mặt tinh thần, ambivert dễ rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc. Họ không thường xuyên thể hiện cảm xúc thật ra bên ngoài. Bạn có thể thấy ambivert nói chuyện thoải mái, hòa đồng thân thiện với mọi người nhưng lại khó mở lòng để trút bầu tâm sự với bất kỳ ai.

Bạn có phải là một ambivert không?

Vậy thì làm sao để biết mình có phải là một ambivert không? Cách tốt nhất là làm test MBTI để phân tích cụ thể từng xu hướng trong tính cách của mình. Bạn sẽ nhận ra ở một khía cạnh này bạn hướng nội, nhưng khía cạnh khác bạn lại hướng ngoại, ở một vũ trụ nào đó thì bạn vừa hướng nội, vừa hướng ngoại.

Còn nếu không muốn làm test, thì bạn hãy để ý xem mình có những dấu hiệu nào sau đây không nhé.

  1. Bạn khó có câu trả lời chính xác cho câu hỏi: hướng nội hay hướng ngoại.
  2. Bạn làm việc nhóm tốt, làm việc độc lập cũng ổn.
  3. Bạn hay nhận được những nhận xét trái ngược. Người thì nói bạn quản giao, dễ gần, người thì nghĩ bạn ít nói, khó đoán.
  4. Bạn có thể cân mọi chủ đề: từ chuyện phiếm showbiz, đến tâm sự so deep.
  5. Bạn muốn có không gian riêng nhưng vẫn muốn tụ tập bạn bè.
  6. Bạn vừa giỏi lắng nghe, vừa biết cách nói chuyện. Bạn đem đến sự cân bằng cho đội nhóm.
  7. Bạn có linh cảm, trực giác khá tốt và nhìn người tương đối chuẩn.

Introvert, extrovert hay ambivert?

Bạn muốn mình là ai? introvert, extrovert hay ambivert?

Extrovert có nhiều lợi thế trong cuộc sống, như khả năng thể hiện bản thân, tạo dựng mối quan hệ và là tâm điểm của sự chú ý.

Mặt khác, có rất nhiều con người vĩ đại là introvert như Barack Obama, Teresa Calcutta, Mark Zuckerberg… chẳng hạn. Họ có sự sâu sắc, thông thái và khả năng thấu cảm tuyệt vời.

Ambivert lại có sự linh hoạt, khả năng thích ứng và cân bằng cảm xúc tốt. Họ phù hợp với cả vị trí lãnh đạo và người hỗ trợ phía sau.

Vậy đâu mới là xu hướng tính cách mà bạn “nên” có? Câu trả lời đã có sẵn bên trong chính bạn. Cũng giống như việc tôi đủ hiểu mình để từ bỏ việc dán nhãn lên bản thân. Tôi mong bạn hãy thực sự dành đủ thời gian để tìm hiểu mình là ai.

Điều quan trọng không phải là bạn đã định danh đúng introvert, extrovert hay ambivert, mà là bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất hay chưa. Việc này cần có sự quan sát bản thân đủ lâu và trải nghiệm đủ nhiều để hiểu mình, và từ đó bạn cũng sẽ hiểu người. Cuộc sống từ đây bắt đầu đẹp!

Vậy nhé. Tôi không viết kết bài vì nó dài và không cần thiết. Chúc bạn luôn vui!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *