Lời mở đầu
Chào mọi người, mình là Thảo, mọi người hay gọi mình là Andy, Andi, En đì hoặc Ăn đì haha. Chà, ngỡ như mới hôm qua đây thôi, vậy mà hôm nay mình đã làm việc ở mái nhà chung Genplus Media được ngót nghét gần 1 năm rồi đấy! Shock ghê!
Tui nè, hồi mới vào làm được 1 tháng á :3
Mùa dịch năm 2021 có lẽ là một năm khủng hoảng với tất cả mọi người, và bản thân mình cũng không ngoại lệ. Mình đã phải vật vã tìm công việc, vật vã với sự ‘rảnh rỗi’ của bản thân để làm những công việc freelance. Và như mọi người biết đấy, làm việc với cái máy tính cả ngày đã bào mòn khả năng giao tiếp cũng như khả năng làm việc cùng những người khác rất nhiều. Chính vì thế, lúc mới nhận công việc mới, mình đã lo sợ sẽ không thể làm gì được với mấy cái ‘kỹ năng bị mài mòn’ vì Cô Vi. Nhưng thật may, mình đã dần tìm ra được ‘bí thuật’ để giúp chính mình tự tin hơn và làm quen với môi trường làm việc mới tốt hơn! Có lẽ bạn sẽ cần nên đừng vội bỏ qua nhé!
1. Làm quen với mọi người và tìm hiểu về văn hóa công ty
Kết bạn và làm quen với các đồng nghiệp ngay từ đầu chắc chắn sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc hơn trong tương lai. Ngoài ra, nhớ được tên đồng nghiệp mới cũng là một điểm cộng rất lớn để bạn mở rộng kết nối tốt hơn.
Tích cực tham gia hoạt động Game show đến mức ‘sức đầu mẻ tráng’ luôn nè >.<
Tự tạo cho bản thân thời gian để được tiếp xúc với đồng nghiệp ngoài giờ làm việc là một phương pháp theo mình là rất hiệu quả. Khoảng thời gian nghỉ trưa hay hoạt động ngoại khóa là nơi mọi câu chuyện phiếm bắt đầu, thoát li khỏi khuôn khổ của công việc, vậy nên việc hòa nhập với những cuộc trò chuyện của mọi người sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết.
2. Đừng ngại đặt câu hỏi
Ông bà ta có câu ‘muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học’. Vậy nên đừng ngại thắc mắc với những vấn đề mà mình chưa hiểu. Mình rất lo lắng về ngày đầu đi làm. Nhưng nếu nghĩ xa hơn, việc luôn sẵn sàng đặt ra câu hỏi với sếp, leader hay các đồng nghiệp khác về thông tin của công ty hay công việc, nó thể hiện thái độ chuyên nghiệp và chủ động tìm tòi trong công việc. Đúng không?
3. Thiết lập mục tiêu cho công việc mới
Mình thường dùng 2 loại mục tiêu: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Lúc đầu mình cứ loay hoay hoài với suy nghĩ: ‘Ủa sao mà mình làm hoài không hết việc vậy?’. Nhưng sau đó mình đã đọc được đây đó và thử tự đặt ra mục tiêu ngắn hạn là ‘Trong 2 tuần đàu phải đạt được 50 nghìn traffic’, và để đạt được điều đó mình đã không ngừng học hỏi đồng nghiệp và Leader, tự tìm hiểu các cách để tăng hiệu quả (như là viết tiêu đề thế nào cho hay, chọn nội dung sao cho phù hợp với người đọc,…) Và đương nhiên, với một đứa chân ướt chân ráo như mình thì đạt được mục tiêu quả là khó khăn, nhưng bù vào đó, mình đã đạt được rất nhiều kinh nghiệm quý giá cho sau này. Đối với mục tiêu dài hạn cũng tương tự như vậy!
Với mình, thói quen tự tạo cho mình lộ trình phát triển và đặt từng mục tiêu cần hoàn thành với các mốc thời gian cụ thể trước khi bắt đầu công việc mới sẽ là kim chỉ nam cho ta biết mình cần làm gì, làm như thế nào để đạt được điều mình muốn. Nhưng một lưu ý nhỏ là hãy đặt những mục tiêu vừa sức thực hiện, không nên quá lớn lao, vĩ đại nhé. Nếu không, nản chí và dễ bỏ cuộc sẽ ‘gõ cửa’ nhà bạn đấy!
4. Thiết lập kế hoạch cho công việc mới
Tạo cho bản thân một Checklist những công việc cần làm trong ngày sẽ là một cách cực hay để mình nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới, vừa nắm rõ công việc mình sẽ làm trong ngày vừa tiết kiệm được khối thời gian nhớ nhớ quên quên với ‘chiếc não cá vàng’ của mình.
5. Tập trung làm tốt công việc của mình
Nắm chắc và làm đúng theo các bước được training là điều kiện tiên quyết trong công việc. Tuy nhiên, cuộc sống không như là mơ, đặc biệt với team Traffic của mình, chúng ta sẽ được nghe những chuyện trên trời dưới đất. Từ ‘con chó nhà chị Yến’ đến ‘bàn phím điều hòa’ của Thanh, rồi sang ‘A B C D’ của anh Đấu…
Để vượt qua được cám dỗ của những câu chuyện dù xàm nhưng đầy hấp dẫn đó, mình đã phải nỗ lực rất nhiều để tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc để giữ phong độ tốt nhất có thể, tránh xao nhãng công việc.
6. Giúp đỡ đồng nghiệp
Như mình đã nói thì không chỉ dừng lại ở giao tiếp thường nhật, bạn cũng nên giúp đỡ và hỗ trợ đồng nghiệp ngay cả trong công việc. Điều này sẽ khiến bạn trở nên đáng tin cậy và dễ dàng có cơ hội phát triển hơn sau này.
Hãy nhớ rằng: Giúp đỡ mọi người sau khi bạn đã hoàn thành hết nhiệm vụ của mình nhé!
7. Cởi mở, lắng nghe và tiếp thu những thay đổi
Cách thích nghi với môi trường làm việc mới tốt nhất chính là luôn mang cho mình một tinh thần cởi mở và biết lắng nghe, thay vì khó chịu “xù lông” với những lời góp ý.
“Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, kẻ biết tiếp thu lời góp ý mới là kẻ thức thời.
Lời kết
Trên đây là đôi dòng tâm sự cũng như chia sẻ về những kinh nghiệm mà mình đã học tập cũng như rút ra được trong quá trình làm việc và học tập tại mái nhà chung Genplus Media.
Cảm ơn mọi người đã đọc và mong rằng nó sẽ giúp ích được một phần nào đó cho mọi người còn đang loay hoay hay các newbies đáng yêu sống nội tâm không biết tìm ai trợ giúp hihi. Vậy nhé! Andi bye mọi người, hẹn gặp lại ở số blog sau với những trải nghiệm mới mẻ hơn nè!