Lan man – một căn bệnh tồn tại ở bất kỳ Content Writer nào. Đó là kết quả sau nhiều giờ động não, liên tục chuyển đổi dòng suy nghĩ của bản thân thành câu từ, để rồi bài viết dài đến hơn vài nghìn từ lúc nào chả hay.
Bản thân tôi khi research thông tin nào đó trên mạng, đập vào mắt là những đoạn văn dài hàng chục dòng, những nội dung cần tìm đọc mãi không thấy đâu, từ ngữ mơ hồ… Cảm xúc ngay tại thời điểm đó thật khó chịu, kèm theo sự bực tức bởi luồng suy nghĩ ban đầu bị tắc nghẽn khi tiêu hóa phải những bài viết lan man này.
Ét ô ét thật chứ!
Vậy làm sao để tránh viết lan man? Dưới đây là 10 mẹo nhỏ giúp thoát khỏi tình trạng này một lần và mãi mãi.
0. Lên OUTLINE trước khi viết bài
Không phải số 1 mà lại là số 0?
Chủ đích cho điều này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dựng Outline (dàn ý) cho một bài viết cần được thực hiện ngay ở bước đầu tiên khi bắt đầu triển khai suy nghĩ và trình bày nó ra thành câu từ.
Nhiều cây viết bỏ qua bước này, họ sợ suy nghĩ sẽ biến mất nếu như không được viết ra ngay tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một sản phẩm cuối cùng lan man, lộn xộn và khó hiểu.
Một cách để tránh điều này là dành vài phút vận động não bộ tìm kiếm các thông tin mình biết về chủ đề sắp triển khai, sắp xếp lại luồng suy nghĩ của bản thân và gạch đầu dòng các ý chính có khả năng mang lại giá trị cho người đọc.
1. Tạm dừng một chút và hít thở sâu
Như đã nói trước đó, lan man được hình thành khi não bộ căng thẳng, thích thú quá mức hay không có hiểu biết về chủ đề đang viết.
Hãy tạm dừng lại và thực hiện động tác hít thở sâu khi cảm thấy cơ thể đang căng thẳng (người trưởng thành thường có chu kỳ thần kinh ‘mệt mỏi’ khi phải dùng não xử lý khối lượng thông tin lớn liên tục trong 2 giờ).
Hành động PAUSE này có thể giúp làm dịu bộ não đang bốc khói. Càng bình tĩnh thì bạn sẽ càng sáng suốt hơn trong suy nghĩ.
Từ đó, tránh bản thân viết xuôi theo luồng suy nghĩ trong đầu khiến cho bài viết trở nên dài dòng, lan man và mơ hồ.
Ngoài ra, thực hành bài tập hít thở sâu theo hướng dẫn dưới đây hoặc bất kỳ bài hướng dẫn nào khác có thể tìm thấy dễ dàng trên Google hay YouTube.
Kỹ thuật hít thở sâu bằng bụng:
- Ngồi thẳng lưng, hai chân thả lỏng, hai bàn tay đặt lên bụng, giữ cổ thẳng hàng với lưng.
- Thả lỏng cơ bụng, tập trung hít một hơi thật dài và sâu bằng mũi đến khi bụng phình ra.
- Sau khoảng từ 1-2 giây, từ từ thở ra thật mạnh khi bụng đã xẹp xuống.
- Lặp lại 10 lần hít thở sâu nhưng không nên thực hiện quá 5 phút.
2. Viết thẳng vào vấn đề
Có một sự khác biệt rất lớn giữa cách đọc một bài viết trên website và đọc một cuốn sách in.
Trên trang web, người đọc bị phân tâm bởi rất nhiều thứ khác, bao gồm: hình ảnh, video, âm thanh, quảng cáo…
Nếu kiểm tra Google Analytics, trung bình chỉ khoảng 2% người dùng dành hơn 2 phút để đọc một bài viết trên trang blog điển hình.
Người đọc trên mạng phần đa là đọc lướt qua. Cho dù nội dung thú vị đến đâu, hầu hết mọi người đều muốn lướt nhanh tới các ý chính.
Do đó, để bài viết dễ hiểu hơn và tốt hơn cho người đọc theo dõi đó là ngưng vòng vo và đi thẳng vào vấn đề chính.
Tốt hơn hết, hãy GIẢ VỜ như bạn đang NÓI CHUYỆN với một ĐỨA TRẺ đang không biết gì về chủ đề này. Sau đó viết nó ra.
Điều này sẽ buộc bản thân phải giải thích rõ ràng và súc tích, đồng thời nó cũng sẽ giúp não bộ tập trung vào những điểm quan trọng nhất cần diễn giải.
Từ đó giúp bài viết dễ tiếp cận hơn và ngăn chặn sự mơ hồ gây hiểu lầm khi đưa ra quá nhiều thông tin ngoài lề.
3. Suy nghĩ xem có thể viết ngắn gọn được nữa không?
Cuộc sống luôn đơn giản vận hành theo cách của nó. Chúng ta, với bộ não có trí tưởng tượng phong phú sẽ vẽ ra rất nhiều điều trước khi nói hay viết về điều gì đó.
Nhiều từ hơn không phải lúc nào cũng mang nhiều thông tin hơn!
Sau mỗi bài viết, hãy dành thời gian để đọc lại và suy nghĩ xem có cách nào khác diễn đạt ngắn gọn nhưng vẫn chính xác về mặt nội dung không?
4. Rút gọn câu và ngắt đoạn
Cắt giảm độ dài câu sẽ làm cho bài viết trở nên gọn gàng, hướng người đọc đến nội dung chính nhanh hơn.
Hãy thử hình dung, khi cố gắng nhét quá nhiều đồ vào chiếc va-li và kết quả là mọi thứ bên trong trở nên nhăn nhúm, lộn xộn. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn cố gắng đưa quá nhiều ý vào một câu, nó gây khó chịu cho người đọc khi họ không biết đâu là trọng điểm.
Chia nhỏ mọi thứ thành các câu ngắn và đơn giản hơn, điều đó sẽ giúp bài viết trông gọn gàng và dễ theo dõi cho người đọc.
Một nghiên cứu về khả năng đọc hiểu của mọi người trên mạng cho thấy:
- Một người đọc chậm, các dòng có khoảng 55 ký tự là sự lựa chọn tốt.
- Một người đọc nhanh, các dòng khoảng 100 ký tự là sự lựa chọn tốt.
5. Hạn chế hoặc thay thế những từ sáo rỗng
Nếu muốn ngay lập tức cải thiện bài viết tốt hơn, có một cách chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Đó là loại bỏ tất cả những câu từ sáo rỗng.
Những câu từ sáo rỗng được coi là cường điệu hóa và làm sai lệnh về ý nghĩa gốc, chúng không thêm bất kỳ ý nghĩa nào ngoại trừ số lượng từ.
Có lẽ, cách viết sáo rỗng rất dễ bắt gặp trong thời buổi này, hầu như đi đâu, chỗ nào người ta cũng thuận miệng nói ra.
Lấy ví dụ từ ‘4.0’, trong các buổi hội nghị, trên diễn đàn, trong bài đăng câu like trên mạng xã hội, thậm chí cả lúc tán gẫu, người ta liên tục nhắc đến đủ thứ và gán nó với từ ‘4.0’.
Doanh nghiệp 4.0, doanh nhân 4.0, trường học 4.0, trồng rau 4.0, làm việc 4.0, quản lý 4.0, dạy học 4.0, v.v
Sử dụng nhiều từ sáo rỗng chỉ khiến cho người đọc nhìn nhận bài viết này được viết ra bởi một người thiếu vốn từ vựng.
Từ ngữ sáo rỗng khó có thể loại bỏ hoàn toàn nhưng có thể thay thế bằng các từ ngữ rõ ràng hơn và không bị đánh bóng lên.
Cách duy nhất để hạn chế dùng từ sáo rỗng đó là trau dồi thêm vốn từ cho bản thân bằng cách đọc nhiều hơn, tra từ điển các từ đồng nghĩa…
6. Loại bỏ sự lặp lại
Sự lặp lại thường là một trong những điều khó tránh nhất khi viết. Dễ xảy ra khi bản thân đang ở trạng thái căng thẳng và cứ lặp đi lặp lại mà không hề nhận ra.
Ví dụ:
Nhiều người ăn cà chua socola như một loại trái cây tráng miệng bởi vì cà chua socola có vị ngọt chua vừa phải.
ĐỪNG lặp lại các từ, cụm từ, ý nghĩa, khái niệm hoặc cấu trúc câu.
Hãy loại bỏ nó ra khỏi bài viết trong giai đoạn kiểm tra và chỉnh sửa lại trước khi xuất bản. Trừ khi từ, cụm từ đó bắt buộc phải dùng đi dùng lại, thông thường là các từ ngữ chỉ một địa điểm, sự vật, sự việc hay hành động cụ thể.
Lỗi lặp lại từ, cụm từ xuất hiện do thiếu vốn từ hoặc trong lúc viết không chú tâm, sau khi viết không đọc lại.
Cách khắc phục tốt nhất là trau dồi thêm vốn từ cho bản thân ở các nguồn như sách, báo, từ điển… Và có thể sử dụng các từ đồng nghĩa thay thế cho từ/cụm từ trùng lặp.
7. Hạn chế quan điểm cá nhân người viết
Đây là khi giọng nói của tác giả xen vào bài viết, khiến nó có cảm giác thiếu tính xác thực và gây rối.
Ví dụ: Khi bắt đầu một câu bằng ‘Tôi nghĩ…’ hoặc sử dụng các thuật ngữ hoa mỹ như ‘một cây viết tài năng của chúng tôi…’.
Tất cả những từ này có thể phù hợp khi viết thơ văn hoặc sách, còn khi viết bài SEO, mọi thứ cần phải mang nghĩa chính xác nhất có thể.
Những cụm từ như ‘tôi nghĩ’, ‘theo tôi thấy’, ‘theo quan điểm của tôi’,… Với các câu như này, người đọc sẽ cho đây là chia sẻ suy nghĩ của cá nhân và không đáng tin cậy.
Chỉ cần hạn chế bất kỳ từ hoặc cụm từ không cần thiết nào khiến câu từ nghe giống như được viết ra từ suy nghĩ mà không có sự đảm bảo về mặt số liệu.
8. Sử dụng danh sách gạch đầu dòng
Đây là một giải pháp không dành cho tất cả. Nhưng sử dụng danh sách gạch đầu dòng có thể giúp bài viết trở nên gọn gàng hơn:
- Về bản chất, danh sách mục đều ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề.
- Danh sách mục làm cho thông tin dễ theo dõi và dễ đọc hơn.
- Danh sách mục sẽ buộc bạn chỉ viết những thông tin quan trọng ngắn gọn, súc tích và đủ ý nghĩa.
Do đó, văn bản của bạn sẽ chặt chẽ hơn và dễ theo dõi hơn khi có thêm một số danh sách mục.
Thế nhưng, một danh sách gạch đầu dòng dài thì lại trở thành một vấn đề. Điều tương tự sẽ xảy ra với các gạch đầu dòng phụ hoặc các gạch đầu dòng lồng nhau. Nó dẫn đến một nội dung lộn xộn khó đọc lướt qua.
Có một điều thú vị: Ngay cả Google cũng thích sử dụng danh sách gạch đầu dòng để đưa ra kết quả sớm nhất cho người dùng.
9. Viết nội dung vừa đủ chi tiết
Liệu nội dung quá chi tiết có khiến bài viết lan man và không được người đọc đánh giá cao?
Việc có nhiều nội dung quá chi tiết có thể làm ngắt ngang mạch nội dung chính hoặc khiến các lập luận trong bài trở nên lộn xộn và khó nắm bắt ý chính.
Chìa khóa để khắc phục điều này là đừng chi tiết tất cả mọi thứ, hãy đào sâu và bổ sung các nội dung bổ trợ cho ý chính có chọn lọc.
Trước khi viết thêm các nội dung bổ trợ cho ý chính trong bài, hãy tự hỏi các câu sau:
- Những nội dung này có hỗ trợ cho luận điểm chính không? Nếu có thì chúng bổ sung làm rõ cho điều gì, nếu bỏ đi thì có khiến luận điểm chính trở nên khó hiểu không?
- Những nội dung đó có quá chi tiết tới mức có thể viết thành một bài viết khác?
- Đó có phải những nội dung quá hiển nhiên mà hẳn đa số người đọc đều có thể tự suy luận ra?
Ngoài ra, nếu một bài viết chỉ liên tục liệt kê các câu ở thể khẳng định mà không đưa ra thêm nội dung thảo luận mở rộng, bài viết đó chỉ dừng lại ở cấp độ cơ bản.
Điều này tạo cảm giác toàn bộ bài viết chỉ đơn giản là nói đi nói lại cùng một luận điểm, mà không có thêm cái nhìn sâu sắc nào khác.
Bên cạnh đó, những nội dung chi tiết còn làm tăng khả năng xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm, đồng thời còn giúp người đọc hệ thống được nội dung trong bài, tăng khả năng ghi nhớ và dễ dàng được thuyết phục hơn.
Một Content Writer luôn phải tìm cách marketing bài viết của mình trên rất nhiều phương tiện khác nhau, đó có thể là Google hay Facebook.
Việc đầu tiên là tìm cách trả lời câu hỏi làm sao để thu hút và giữ chân độc giả của mình. Và việc rõ ràng nhất có thể thấy khi đọc hết bài viết này đó là đừng cản trở luồng đọc của độc giả bằng những dòng chữ lan man dài dòng.
Hẹn gặp lại các bạn trong những bài chia sẻ kinh nghiệm cải thiện kỹ năng viết của bản thân tôi từ lúc là một chàng trai không biết gì về nghề Content Writer cho đến hành trình trở thành một người mắc viết.