Nỗi khổ CON SEN: Làm Content nhưng lại sợ viết?

Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy kỳ lạ khi nghe đến việc làm Content nhưng lại sợ viết đúng không?

Tuy nhiên đặt vào trường hợp thực tế, liệu bạn có đảm bảo rằng mình luôn tự tin viết tốt và có thể kiểm soát được ngôn từ, cảm xúc khi viết không? Hay đôi khi bạn cảm thấy hoài nghi về bản thân vì sự nhàm chán trong việc nặn chữ và bài viết thường bị sửa đi sửa lại nhiều lần. Điều này khiến trong đầu bạn hình thành nên một nỗi sợ vô hình. Vậy liệu đây có phải là nỗi sợ khi viết bài của dân content không? Cùng tìm hiểu nhé.

Khởi nguồn của những nỗi sợ

Trong sự nghiệp làm Con Sen, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi việc bí ý tưởng, hay nhàm chán khi viết quanh đi quẩn lại về một vài chủ đề hoặc phải vắt óc suy nghĩ để viết về những lĩnh vực mà mình không mấy hiểu biết.

Thậm chí nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy bản thân thất bại và tự cho phép mình tự ti, suy nghĩ tiêu cực. Từ đó bạn vẽ ra những viễn cảnh như bài viết của mình không được đón nhận, không ai đọc bài viết hay chẳng gây được ấn tượng với người đọc…

Khởi nguồn của những nỗi sợ

Vậy viết có đáng sợ không? Có thể khẳng định rằng việc viết không hề đáng sợ. Chỉ sợ rằng bản thân của bạn chưa thực sự đam mê, tâm huyết và tự tin với khả năng của mình mà thôi.

Nếu cứ mãi bị lún sâu vào nỗi sợ như vậy thì dần dần trong đầu bạn sẽ xuất hiện một bóng ma tâm lý khiến bạn cảm thấy nhàm chán với việc gõ lóc cóc mỗi ngày.

Khởi nguồn của những nỗi sợ

Vậy nên việc cần làm lúc này chính là phải tìm hiểu gốc rễ của nỗi sợ rồi từ đó đưa ra hướng giải quyết. Hãy cùng tìm hiểu bản thân mình đang mắc phải nỗi sợ nào nhé.

5 nỗi sợ của một Con Sen khi viết bài

Bất kỳ nghề nào cũng có những cái khó và áp lực riêng. Làm Content cũng vậy, khó ai tránh khỏi những nỗi khổ ngầm mà chỉ người trong ngành mới hiểu. Dưới đây là 5 nỗi sợ phổ biến mà những người làm Content thường gặp phải.

Nỗi sợ 1: Bài viết không được index

Việc bản thân đã bỏ công sức, thời gian và dành hết tâm huyết để viết lên một bài content nhưng cuối cùng Google lại chẳng index bài viết của mình. Thế là công sức đổ sông đổ bể. Bài viết cứ thế bốc hơi, chẳng ai biết đến sự tồn tại của nó ngoài người viết.

Đặc biệt là những bài viết trend. Thức khuya, dậy sớm, mất ăn mất ngủ để kịp lên bài sớm nhất hòng giật spotlight để giành vị trí top đầu vậy mà đến top cuối cũng chả thấy tăm hơi.

Nỗi sợ 2: Bị gắn mác là copy bài người khác

Trong suy nghĩ của nhiều người, Content SEO chính là copy bài của người khác rồi thêm mắm thêm muối, thay dấu chấm, đổi dấu phẩy thành bài viết của mình.

Ai cũng biết rằng, nghề content sẽ viết về đủ thứ lĩnh vực, muôn hình vạn trạng, và không phải ai cũng hiểu biết về tất cả các lĩnh vực đó. Vậy nên để viết được một bài content thì việc tham khảo những bài viết của người khác là điều hiển nhiên.

Để đặt bút viết lên một bài hoàn chỉnh thì người viết cũng phải đọc bài, nghiên cứu kỹ, chọn lọc thông tin rồi mới viết chứ đâu phải chỉ thực hiện thao tác Copy và Paste là đã xong một bài content. Nếu vậy thì ai cũng có thể làm content được rồi.

Nỗi sợ 3: Bài viết phải sửa nhiều lần

Trước đây, mình cũng ngại với việc bài viết bị sửa đi sửa lại nhiều lần, cũng e dè với việc sửa không đúng ý. Từ đó tự mình đặt câu hỏi do bản thân yếu kém hay do họ khó tính.

Nhưng đến sau này mình mới cảm thấy may mắn vì được những tiền bối, cấp trên dành ra thời gian để sửa bài, chỉ ra những cái chưa đúng, chưa hợp lý. Từ đó bạn tự nhìn nhận về bản thân và dần khắc phục, hoàn thiện để bài viết ngày càng tốt hơn.

Vậy nên viết không phải là nỗi sợ mà việc tìm ra lỗi sai khi viết mới là điều kinh khủng nhất. Nhưng một khi bạn đã tìm được khuyết điểm trong bài viết của mình và khắc phục được thì rất tuyệt vời, đồng thời trình viết của bạn ngày một tiến bộ hơn thôi.

Nỗi sợ 4: Không được ngừng viết

Dù cho ngày hôm đó của bạn đang hứng khởi, có niềm vui hay stress, thất tình, mệt mỏi… Dù gì đi nữa bạn vẫn phải ngồi vào máy tiếp tục công việc múa phím lóc cóc của mình vì con số KPI của bạn không hề thay đổi.

Việc viết bài hiển nhiên trở thành trách nhiệm, là miếng cơm manh áo mà bạn phải cố gắng để đến ngày nhận lương được nhận đủ số tiền. Dù rằng chỉ đến độ nửa tháng con số đó chẳng biết thất lạc đi đâu mất tiêu.

Nỗi sợ 5: “Content SEO thì dễ mà, ai chả viết được”

Với nghề Content SEO, một vài người chẳng đánh giá cao công sức người ta bỏ ra, vì cứ nghĩ rằng trên mạng đầy rẫy những bài viết trước đó, chỉ cần “xào nấu” một chút là được. Đặc biệt đối với những job part-time bên ngoài thường nghe nhiều.

Tuy nhiên bắt tay vào làm mới biết khó hay dễ. Bạn hãy cứ thử viết một vài bài không thuộc lĩnh vực của mình mà trên mạng cũng chẳng có lấy một bài tham khảo. Bởi muốn bài viết dễ lên top thì thường phải tìm kiếm những chủ đề ngách. Mà đi ngách thì keyword là những từ mà chưa từng xuất hiện hoặc xuất hiện ít.

Thế nên với những bài thế này bạn phải vắt óc để tìm nguồn từ kênh này sang kênh nọ, nguồn tiếng Việt không có thì phải qua nguồn tiếng Anh, tiếng Trung,… làm mọi cách để có thể viết được bài. Nhưng rồi đến khi hoàn thành bài viết đó bạn sẽ sướng rân với thành quả của mình cho mà xem.

Bước qua nỗi sợ viết khi làm Content Marketing

Có không ít Con Sen lâm vào cảnh sợ viết, thế nhưng họ lại chọn trốn tránh thay vì đối đầu và tìm ra hướng giải quyết. Việc trốn tránh chỉ là tạm thời, nếu kéo dài thì chẳng mấy chốc bạn sẽ chẳng còn mặn mà với cái nghề viết này nữa.
Vậy nên chỉ có một cách duy nhất chính là phải phá vỡ được bức tường sợ hãi đó thì mới có thể phát triển bản thân cũng như nâng cao chuyên môn về nghề Content này.

Hãy điểm qua một số mẹo dưới đây để bước qua nỗi sợ của mình nhé.

Thả lỏng bản thân khi viết

Đừng ép bản thân quá sức bởi với nghề viết lách cảm xúc là một yếu tố khá quan trọng. Tuy nhiên bạn cũng đừng ỷ lại vào điều đó mà tự cho phép bản thân mình cứ vin vào cái lý do cảm xúc để ngụy biện cho sự sợ sệt của bản thân.

Nếu bạn là một newbie chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể bắt đầu với những dạng bài dễ, những chủ đề đời thường mà bạn cảm thấy tự tin bản thân mình có thể thực hiện tốt.

Nhưng khi đã làm quen được với việc viết content thì bạn phải dấn thân mình vào những bài khó để phát triển được tư duy và kỹ năng suy luận. Đồng thời đừng tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình, cũng đừng lo sợ về kết quả mà hãy cứ thoải mái, thả lỏng đầu óc thì mới có thể “múa phím” lên những bài viết hay được.

Lên ý tưởng và hướng đi cho bài viết

Những người sợ viết thường gặp phải một hoàn cảnh chung đó chính là khi đặt bút xuống không biết phải bắt đầu từ đâu, viết về cái gì và viết như thế nào. Vậy trước khi bắt tay vào một bài viết thì bạn cần bỏ chút thời gian để lên ý tưởng rõ ràng.

Bạn có thể soạn ra những đầu mục như: chủ đề, hướng đi, dàn ý,… Điều quan trọng nhất phải biết rõ độc giả của mình là ai để sử dụng câu từ và diễn đạt lời văn cho phù hợp.

Nỗi sợ chỉ xuất hiện khi bạn mơ hồ, mông lung và không tìm được hướng đi mà thôi. Khi đã vạch ra được kế hoạch rõ ràng thì chỉ cần bám theo thực hiện. Đó là cách để bạn có thể vượt qua nỗi sợ viết của mình.

Cải thiện bản thân từng bước một

Cũng giống như việc xây một ngôi nhà, đầu tiên bạn cần phải có một nền móng thật chắc thì mới có thể xây lên cao được. Việc học tập và trau dồi kiến thức mỗi ngày cũng giống như việc đặt từng viên gạch, cần đòi hỏi thời gian và công sức chứ không thể ngày một ngày hai hoàn thành.

Làm Content SEO không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật viết lách mà còn cần đến kinh nghiệm qua những lần vấp ngã, đó mới là những bài học đắt giá để từ đó bạn phát triển và nâng cao kiến thức cũng như trình độ chuyên môn của mình.

Đừng nóng vội hay ép buộc bản thân quá sức. Chậm mà chắc, kiên nhẫn ắt thành công. Vậy nên hãy để bản thân phát triển từ từ nhưng bền vững.

Trên đây là bài chia sẻ của mình về nỗi khổ chung của hội Con Sen. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn khắc phục được nỗi sợ của mình và tiếp tục mặn mà với sự nghiệp làm Content của mình nhé!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *