Làm thế nào để chủ động trong công việc? Bài học từ một người sợ sai

Chủ động trong công việc là một yếu tố, một kỹ năng quan trọng cho bất cứ ai khi đi làm. Tuy nhiên, thế nào là chủ động trong công việc? Bản thân bạn chủ động ở mức độ nào? Tránh đưa nội dung đi lan man và mang tính thuyết giáo thì nội dung bài viết này sẽ xoay quanh công việc của một nhân viên Content.

Trong thời gian đi làm của mình, có bao giờ bạn được khen là một người chủ động trong công việc chưa? Hay cũng có thể là một lời nhắc nhở, đóng góp thiện chí về việc chưa chủ động trong công việc?

Bạn có thực sự quan tâm về lời nhận xét này không? Chủ động trong công việc cụ thể là như thế nào? Làm thế nào để thể hiện bản thân là người chủ động trong công việc?

Thế nào là chủ động?

Bạn đã quá quen thuộc với từ chủ động trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bạn phải nhìn nhận rõ ý nghĩa của từ này.

“Chủ” trong “làm chủ” “chủ thể”, “động” trong “hành động”. Như vậy có thể hiểu chủ động là các hành động xuất phát từ ý muốn của chính bản thân mình chứ không từ ai khác, không chờ ai khác tác động đến mình thì mới làm.

Nghe thì dễ nhưng khi chủ động thì có một vấn đề muôn đời là sợ sai, sợ bị mắng. Giống khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn không dám giơ tay phát biểu xây dựng bài vì sợ mình nói sai – một loại cảm giác thường trực trong nhiều người.

Biểu hiện cho sự chủ động trong công việc của Team, tham gia hoạt động của công ty.

Về tâm lý sợ sai không phải nói ngày một ngày hai là có thể sửa đổi được. Nó thuộc về việc bạn có cởi mở trong suy nghĩ của bản thân hay không, có thực sự muốn bản thân hướng đến điều tích cực và tốt đẹp hơn không.

Bức tường sợ sai khổng lồ như thế nào?

Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là một người hướng ngoại. Bản thân tôi cũng là một người có tính cách khá nhút nhát và rụt rè. Nếu nói về tôi của trước đây, chắc chắn nhiều người sẽ xếp tôi vào danh sách những người thuộc nhóm bị động.

Trước khi chủ định làm việc gì, bản thân luôn xây dựng loạt viễn cảnh sợ mình sẽ nói không đúng, sợ phát ngôn ra sai, sợ mọi người biế,…

Chính vì vô tình xây dựng bức tường sợ sai, ngay cả bản thân tôi hay một ai đó cũng có thể nhìn nhận lại mình của quá khứ và biết rằng… Bức tường sợ sai khổng lồ như thế nào.

  • Sợ sai theo thời gian dài sẽ khiến bạn trở thành người thụ động.
  • Xu hướng che giấu cảm xúc của bản thân dẫu biết rằng điều đó không tốt.
  • Tự cho phép bản thân mình thất bại.
  • Tạo áp lực vô hình.
  • Tự làm bản thân bị rớt hạng trong công việc.
  • Tự khiến bản thân cô lập so với đám đông, lâu dài mất dần tự tin trong giao tiếp, khó hòa nhập.
  • Đánh mất cơ hội của bản thân.
  • Cản trở bản thân hành động, bị thụt lùi so với đám đông đang hướng đến phía trước.

Tháo dỡ bức tường sợ sai như thế nào?

Dẫu biết việc thụ động là điều không tốt. Tuy nhiên, bức tường sợ sai trong bản thân chúng ta được xây dựng quá lâu, quá vững chắc khiến bạn không biết tháo dỡ chúng như thế nào.

Vậy cần bảo làm gì để có thể vượt qua được bức tường rào cản đó?

  • Thay đổi trong tư duy
    • Hiểu được nỗi sợ của bản thân là một điều tất yếu và nó khá là bình thường.
    • Không ‘đổ thừa’ mình là người hướng nội.
    • Chấp nhận được cái sai của bản thân, bởi vì không một ai hoàn hảo.
    • Giảm cái tôi của bản thân.
    • Không có một câu hỏi sai, chỉ có người sai cố chấp trong suy nghĩ của mình.
    • Nhận thức việc giấu dốt là một căn bệnh.
  • Thay đổi trong hành động
    • Bất kỳ vấn đề nào bản thân cảm thấy mập mờ thì phải hỏi ngay. Hãy loại bỏ hai chữ “em tưởng” để mọi vấn đề được chắc chắn hơn.
    • Nếu chưa rõ vấn đề cần chủ động hỏi hoặc trao đổi thêm để có thể bắt đầu và hoàn thành nó một cách tốt nhất. Tránh việc hoàn thành cho xong Task nhưng nó không mang lại giá trị như đúng mục đích ban đầu gây lãng phí và thời gian và ảnh hưởng công việc chung.
    • Tự xây dựng các kế hoạch công việc cho bản thân. Trường hợp đụng phải vấn đề bản thân cảm thấy không tự tin nên chủ động tham khảo người đã có kinh nghiệm.
    • Nên lường trước mọi rủi ro có thể xảy ra hơn là việc để làm hỏng và nói rút kinh nghiệm.
    • Chịu chấp nhận bản thân mình chưa giỏi thì đừng ngại hỏi và đừng ngại nhận phán xét từ người khác. Điều bạn nhận được sau cùng là giải đáp thắc mắc của bản thân và nó mang lại giá trị, lợi ích cho chính bạn chứ không phải ai khác. Do đó hãy mạnh dạn hỏi thật nhiều, từ chính đồng nghiệp, Leader hay PM (đúng lúc – đúng nơi – không sợ làm phiền).
    • Tự cập nhật bản thân một cách nghiêm túc. Việc tự học và tự nghiên cứu sẽ giúp bạn dễ dàng nhìn nhận ra vấn đề và lúc này bạn sẽ ‘được’ thắc mắc nhiều hơn.
chủ động trong công việc
Thay đổi bằng những hành động.

Làm thế nào để chủ động trong công việc?

Nếu search trên Google “làm cách nào để chủ động hơn trong công việc”, bạn sẽ có nhiều gợi ý cho mình. Tuy nhiên, đôi khi nó khiến bạn cảm thấy bị “xa rời” thực tế và mang ý nghĩa khá là chung chung.

Bằng một chút kinh nghiệm đúc kết từ bản thân tôi, dưới đây là một số yếu tố cần để bản thân mỗi chúng ta có thể thay đổi mình, chủ động hơn một chút trong công việc:

Khi được giao Task

  • Nếu là Task ngắn: Nên báo lại người giao Task khi bạn đã hoàn thành xong công việc của mình (chắc chắn là không cho phép bản thân trễ Deadline – không tính đến trường hợp khách quan).
  • Nếu là Task dài: Nên chủ động báo cáo tiến độ công việc thay vì phải chờ phản hồi, chờ kiến nghị hay sự thúc giục từ cấp trên.

Lưu ý: Sắp xếp thời gian hoàn thành Task đúng hạn; trường hợp chưa rõ nội dung Task cần hỏi ngay và hỏi sớm.

chủ động trong công việc
Chủ động trong công việc của bản thân.

Cập nhật nhanh

Chủ động cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến kiến thức, chuyên môn công việc hay hỗ trợ công việc.

Học cách chia sẻ những thông tin mới đến cấp trên hay những đồng nghiệp của mình.

Ví dụ:

  • Nội dung chuyên môn: Anh Đức thường xuyên chia sẻ những cập nhật mới nhất để mọi người có thể thích ứng linh hoạt trong việc thay đổi Content, không đi theo lối mòn cũ.
  • Nội dung trend hot: Một cá nhân bắt trend được thì chủ động chia sẻ với Leader hay nhân sự nắm giữ site liên quan.

Mắc hỏi

Trong mọi cuộc họp, trao đổi hay những thời điểm giải lao, bạn có thể tận dụng để đặt câu hỏi mà bản thân chưa hiểu hoặc còn thắc mắc. Lúc này chắc chắn bạn sẽ dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ người khác.

Đặc biệt, người được nhận câu hỏi cũng sẽ đánh giá cao sự tìm tòi và thay đổi tích cực từ bạn.

Học cách đóng góp

Nếu thật sự tâm huyết trong công việc, chắc chắn bạn sẽ mong muốn công việc của mình và Team phát triển theo hướng tích cực hơn.

Vì lý do này, nó sẽ thôi thúc bạn chăm chỉ hơn trong việc đóng góp, đưa ra những đề xuất hay chia sẻ ý kiến của bản thân trong những cuộc trò chuyện, thảo luận hay họp Team.

Sôi nổi đóng góp cùng các hoạt động của Team.

Nói trước đám đông

Thật may mắn là môi trường tại GenPlus Media luôn có đất để bạn diễn. Hãy thử một lần trải nghiệm thành một speaker để được nói trước đám đông. Sẽ không ai phán xét điều bạn làm tốt hay không mà trước hết chính là việc bạn được ghi nhận.

Những lời khen, lời động viên, góp ý… sẽ cho thấy bản thân bạn được công nhận. Và chắc chắn sẽ là động lực để bạn cởi mở hơn.

Phần thưởng xứng đáng dành cho nhân viên xuất sắc.

Đừng sợ

Đừng bao giờ có ý nghĩa việc mình hỏi người khác sẽ khiến họ cảm giác bị làm phiền. Nếu thực sự đang bận thì bạn sẽ nhận được câu trả lời sau đó, hoặc tốt hơn là ngay lúc đó.

Và có một sự thật rằng có nhiều người có xu hướng muốn chia sẻ, vì vậy hãy bỏ suy nghĩ sợ làm phiền khi hỏi một ai đó nhé.

Linh hoạt nhất có thể

Trong công việc, bên cạnh những Task được giao đầu tháng chắc chắn bạn sẽ nhận một vài Task gấp. Bạn nên biết cách quản lý tốt thời gian của mình, biết làm điều quan trọng nhất để có thể giải quyết Task gấp một cách nhanh chóng và kịp thời.

Ví dụ trường hợp team Content có bài cần viết gấp nhưng bạn lại trì hoãn để làm cho xong công việc hiện tại rồi mới sang Task gấp thì không phù hợp.

Leader team SEO và Leader team Content luôn chủ động trao đổi công việc với nhau.

Với việc thực hành một cách thực tế từ những điều nhỏ nhất sẽ giúp bạn dần thay đổi được quan điểm và thái độ trong công việc của mình. Có thể những thay đổi này sẽ không khiến bạn trở nên giỏi giang hay vĩ mô hơn nhưng ít nhất nó cũng khiến bạn cảm thấy bản thân mình đã làm được và tự hào về chính sự thay đổi của mình. Hãy là một phiên bản tốt hơn phiên bản của chính bạn ngày hôm qua.

Trên đây chỉ là một số mẹo để bạn có thể hành động ngay và liền trong việc chủ động hơn trong công việc, hay ứng dụng vào cuộc sống ở hiện tại. Mặc dù nội dung chỉ là một phần nhỏ nào đó nhưng nó cũng được đúc kết từ kinh nghiệm cũng như chia sẻ từ thực tế. Bên cạnh việc cập nhật về kiến thức chuyên môn, mỗi chúng ta cũng cần phải cải thiện những hạn chế của bản thân. Đây chắc chắn sẽ là một trong những chìa khóa giúp bạn tạo nên sự thành công hơn trong công việc của bản thân.

 

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *