nỗ lực để làm người bình thường

Nỗ lực để làm người bình thường

Từ bao giờ, “bình thường” là một từ dùng để chê bai? Giữa một xã hội đang không ngừng tiến bộ mỗi ngày, bạn nghĩ gì khi nói về “bình thường”.

Ngay từ những năm tháng đầu đời, biết đi vào lúc 1 tuổi là điều bình thường mà đa số đứa trẻ nào cũng làm được. Lúc đó, biết đi thôi chưa đủ, biết đi sớm hơn các bạn đồng trang lứa mới là nổi bật. Vào cấp 1, học sinh giỏi thôi là bình thường, phải phấn đấu để tất cả các môn Toán, Tiếng Việt, Địa lý, Lịch sử, Khoa học,… đều đạt điểm 10.

Lên cấp 2, học sinh giỏi chưa phải là mục tiêu cao nhất, phải có số phẩy trung bình trên 9 chấm và phải chinh phục những cuộc thi cấp thành phố, cấp tỉnh. Lên cấp 3, đậu vào ngôi trường danh tiếng chỉ là bước đầu, còn phải cố gắng để có thể thi vào trường đại học tốt.

Ra trường, mục tiêu ban đầu là có được công việc ổn định, sau đó là thăng tiến, mua nhà, mua xe… Cứ thế, mỗi giai đoạn của cuộc đời lại xuất hiện những mục tiêu lớn nối đuôi nhau để bản thân trở nên thật nổi bật.

người bình thường

Mình đã từng nhiều lần nghe qua những câu đại loại như: “Chỉ là vấn đề bình thường thôi sao phải làm quá lên”, “Con bé ấy học cũng bình thường thôi, chắc chỉ đủ điểm đậu vào các trường tư”, “Thằng ấy ra trường đi làm nhân viên bình thường thôi, lương không cao”, “Trông bề ngoài cũng bình thường không có gì nổi bật”…

Dần dần, khoảng cách giữa “bình thường” và “tầm thường” ngày một thu hẹp.

Thế nhưng, đối với mình:

  • Để trở thành học sinh giỏi năm cấp 1, dù có môn sẽ không tròn 10 điểm, cùng cần sự nỗ lực.
  • Để là học sinh giỏi năm cấp 2, dù không được 9 chấm, cũng cần phải học ngày học đêm.
  • Để vào một ngôi trường đại học bình thường, có công việc bình thường ngày 8 tiếng, cũng đã không ít lần rơi nước mắt vì áp lực thi cử.
  • Để có một cơ thể bình thường, cũng cần nỗ lực chăm sóc và bảo vệ.
  • Để có một sức khỏe bình thường, cũng cần nỗ lực rèn luyện và giữ gìn.
  • Và hơn hết, để có một cuộc sống bình thường, cũng cần nỗ lực lao động mỗi ngày.

Để có thể giữ mọi thứ xung quanh mình chuyển động theo một quỹ đạo bình thường, hóa ra cũng không ít lần phải “trầy da tróc vảy”.

Mình không phủ nhận những cái hay của việc đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân để ngày một tiến bộ. Thế nhưng, mình vẫn nghĩ rằng, cái sự “bình thường” vẫn hay bị đem ra chê bai ấy, lại là điều một số người không có được.

Bạn xem bữa cơm ngày 3 cử là một việc bình thường, trong khi ngoài kia có những người không có gì để ăn. Bạn xem giấc ngủ hằng đêm là bình thường, trong khi ngoài kia còn những người chẳng có nơi để ngủ. Bạn xem thức dậy mỗi buổi sáng là việc bình thường, trong khi đó, có người kể cả việc trông thấy mặt trời một lần nữa, cũng không thể rồi.

“Làm một người bình thường thôi cũng cần rất nhiều sự nỗ lực rồi”. Bình thường không phải tầm thường, bình thường là những điều mình đang có, và cũng rất đáng trân trọng.

Hãy không ngừng nỗ lực, không chỉ để trở nên phi thường, để được ngợi khen, mà để có thể tự hào với bản thân rằng, mình của hiện tại, đã tốt hơn ngày hôm qua rồi…

*Bài viết nêu lên quan điểm cá nhân*

1 thought on “Nỗ lực để làm người bình thường”

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *