Hội chứng Paruresis nghe có vẻ ghê gớm, cao siêu nhưng lại rất quen thuộc với Gen-ers, đặc biệt là các thần men.
Nói quen thuộc với các thần men nhà GenPlus là bởi hội chứng này thường thấy ở nhà vệ sinh công cộng, Hoa Mập chẳng hạn. Thực ra, người mắc hội chứng Paruresis không chỉ được bắt gặp ở những quán nhậu, mà họ còn xuất hiện tại nhà vệ sinh của các công ty, ga tàu, bệnh viện, quán ăn,… Nơi tất cả mọi người đều có thể có cảm giác “mót” đại – tiểu tiện.
Nhu cầu “đi ngoài” xuất hiện bất chợt là điều không thể tránh khỏi, nhưng đó cũng là hệ quả tất yếu của quá trình trao đổi chất. Đặc biệt là khi một lượng chất lỏng lớn bất thường được đưa vào cơ thể trong thời gian ngắn, cùng với cơn lâng lâng từ sinh tố lúa mạch khiến chúng ta ra vào WC thường xuyên hơn. Ngoại trừ vài gương mặt chỉ ăn mồi và nhấp môi.
Trở lại với Paruresis, hội chứng này và nhu cầu đi vệ sinh liên quan gì nhau?
Hội chứng Bàng Quang Nhút Nhát
Paruresis (google dịch ra là Đái dầm :3) hay còn gọi là Shy Bladder (tạm dịch: Bàng quang nhút nhát). Đây là hội chứng khiến chúng ta gặp khó khăn khi đi đại – tiểu tiện ở nhà vệ sinh công cộng hoặc một nơi nào đó có sự hiện của nhiều người xung quanh. Đây được xem là một chứng rối loạn lo âu xã hội phổ biến chỉ đứng sau chứng sợ nói trước đám đông, bất cứ ai cũng có thể mắc phải.
Một ví dụ cụ thể, anh Nguyễn Tiến L. đã lấp đầy bồn chứa sau khi bổ sung 5 chai tiger bạc vào cơ thể, lúc này nhu cầu tiểu tiện được hình thành. Anh bước vào nhà vệ sinh nhưng xung quanh là những người đàn ông khác cũng có mặt. Điều này khiến anh L. cảm thấy lo lắng, ngại ngùng, bất an,… và van khóa không tài nào mở được. Không những thế, khi về nhà, anh ấy cũng gặp tình trạng tương tự vì các vị khách tới chơi lảng vảng trước nhà vệ sinh. Anh L. không thể nào đi đại – tiểu tiện khi có người hiện diện xung quanh, hoặc cảm giác có người đợi ở bên ngoài.
Triệu chứng
Những người mắc Paruresis như anh Nguyễn Tiến L. không thể tiểu ra được khi có người bên cạnh, lúc này sự lo lắng đang bao trùm họ. Anh L. sẽ nghĩ trong đầu ‘Mình đi không ra thì người ở bên sẽ nghĩ gì?’, việc đó càng làm anh lo lắng và đường ống càng tắc nghẽn. Đó chỉ là một biểu hiện quen thuộc khi anh L. đi vệ sinh ở nơi công cộng. Ngoài ra, Paruresis còn nhiều triệu chứng khác:
- Luôn muốn có sự riêng tư hoàn toàn khi đi vệ sinh.
- Khó khăn hoặc không thể đi vệ sinh ở nơi công cộng và tại nhà của người khác.
- Khó khăn hoặc không thể đi vệ sinh khi nhà có khách đến chơi.
- Khó khăn hoặc không thể đi vệ sinh khi có ai đó chờ bên ngoài.
- Lo sợ người khác nghe mùi/tiếng phát ra từ việc đi vệ sinh của mình.
- ….
Nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ có triệu chứng như:
- Cảm thấy lo lắng khi “mót” đại – tiểu tiện.
- Hạn chế ăn uống để giảm nhu cầu đi vệ sinh.
- Lo lắng về việc đi du lịch và các sự kiện đông người.
- …
Những người mắc Shy Bladder như anh Nguyễn Tiến L. sẽ có triệu chứng như trên, và cũng có thể một vài Gen-ers trong chúng ta cũng đang gặp những điều tương tự. Mọi người có để ý bản thân đã mắc hội chứng này và đặt câu hỏi lý do tại sao không?
Lý do mắc hội chứng Paruresis
Nghe cái tên có vẻ như anh Nguyễn Tiến L. đang mắc một bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu, nhưng mọi thứ đều bắt nguồn từ tâm lý. Việc lo lắng trong khi đi vệ sinh sẽ kích thích hệ thần kinh khiến cơ vòng thắt lại, qua đó chất thải không thể đưa ra ngoài.
Xét về nguyên nhân gây ra, các chuyên gia cho biết chưa có nguyên nhân nào thực sự được xác nhận. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp được liên kết với rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Những người bị PTSD là những người trải qua các sự kiện không vui trong quá khứ như bị quấy rối, bắt nạt, trêu chọc,… khiến họ mang trong mình nỗi ‘ám ảnh’ về những chuyện đó đến tận bây giờ.
Rất có thể anh Nguyễn Tiến L. của chúng ta có một tuổi thơ không mấy tốt đẹp về việc đi vệ sinh. Anh ấy thường xuyên bị bạn bè trêu ghẹo về vấn đề đại – tiểu tiện, bị mọi người cười nhạo vì hay đái dầm,… Ngoài ra, người mắc hội chứng Paruresis như anh L. có thể đã bị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), ám ảnh cưỡng chế (OCD), hay tiền sử bệnh tâm thần,…
Bàng quang nhút nhát là một chứng bệnh tâm lý phổ biến, xuất hiện ở hơn 21 triệu người Mỹ. Và chắc hẳn ít nhiều các Gen-er cũng đang gặp phải nhưng lại không mấy bận tâm. Chúng ta thường không để ý đến những điều bất thường nhưng quá nhỏ nhặt xung quanh mình, như các biểu hiện của hội chứng Paruresis chẳng hạn. Hãy quan sát bản thân nhiều hơn để phát hiện ra những điều thú vị mà chúng đã tồn tại từ lâu với chúng ta.
Còn về trường hợp anh Nguyễn Tiến L., anh sẽ phải nghĩ đến việc gặp bác sĩ tâm lý. Nếu không, bác sĩ tiết niệu sẽ gặp anh nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng.